Bài 5. Thiết kế dân tộc ký (Ethnographic Designs)
Sau khi đọc xong bài này, bạn sẽ có thể:
|
1. Khi nào sử dụng?
Dân tộc ký (Ethnographic) là một nhánh nghiên cứu của ‘nhân chủng học’ (anthropology) và nghiên cứu có hệ thống về các nền văn hóa riêng lẻ. Thuật ngữ ‘Ethnographic’ là bắt nguồn từ chữ gốc của Hy Lạp là ‘ethnos’ (có nghĩa là dân gian/ con người) và ‘graphein’ (tức là tôi viết). Hiện nay chưa có cách hiểu thống nhất về thuật ngữ ‘Ethnographic’ trong tiếng Việt nên chúng tôi tạm dịch và hiểu là ‘Dân tộc ký’, có nghĩa là một quá trình thu thập dữ liệu về con người, văn hóa và xã hội, thông qua phỏng vấn, hỏi đáp, quan sát và sưu tập rồi áp dụng các phương pháp phân tích để viết bài luận.
Dân tộc ký là một phương pháp luận nghiên cứu định tính để mô tả, phân tích và diễn giải các hệ hình của hành vi (behavior), niềm tin (beliefs) và ngôn ngữ (language) được chia sẻ của một nhóm chia sẻ văn hóa (culture-sharing group). Trung tâm của định nghĩa này là văn hóa (culture). Văn hóa có thể bao gồm ngôn ngữ, nghi lễ, cấu trúc kinh tế và chính trị, các giai đoạn trong cuộc sống, tương tác và kiểu giao tiếp. Để hiểu các hệ hình của một nhóm chia sẻ văn hóa, các nhà dân tộc ký thường dành thời gian đáng kể để phỏng vấn, quan sát và thu thập tài liệu về nhóm để hiểu các hành vi, niềm tin và ngôn ngữ chia sẻ văn hóa của họ.
Bạn tiến hành nghiên cứu dân tộc ký khi bạn có một nhóm chia sẻ văn hóa để nghiên cứu – một nhóm đã ở cùng nhau một thời gian và đã phát triển các giá trị, niềm tin và ngôn ngữ được chia sẻ. Nhóm chia sẻ văn hóa có thể được đóng khung trong phạm vi hẹp (ví dụ: các giáo viên, các sinh viên hoặc các nhân viên) hoặc được đóng khung rộng (ví dụ: toàn bộ trường học). Nhóm chia sẻ văn hóa có thể là một gia đình, chẳng hạn như trong nghiên cứu dân tộc ký về một trẻ tăng động giảm chú ý và gia đình của em. Nghiên cứu dân tộc ký có thể được sử dụng trong nghiên cứu thị trường (trong lĩnh vực kinh doanh).
Bạn tiến hành một nghiên cứu dân tộc ký khi bạn có quyền truy cập lâu dài vào một nhóm chia sẻ văn hóa để bạn có thể xây dựng hồ sơ chi tiết về hành vi và niềm tin của họ theo thời gian. Bạn có thể là một thành viên trong nhóm hoặc đơn giản là một người quan sát, nhưng bạn thu thập các ghi chú sâu rộng, phỏng vấn nhiều người và thu thập thư từ và tài liệu để thiết lập sự ghi chép của nhóm chia sẻ văn hóa.
2. Các loại của thiết kế dân tộc ký
Creswell (2002) cho rằng các nghiên cứu dân tộc ký có thể được phân chia vào trong ba hình thức gồm: i) dân tộc ký hiện thực (realist ethnography), ii) nghiên cứu trường hợp (case study), và iii) dân tộc ký phê bình (critical ethnography).
2.1. Dân tộc ký hiện thực
Dân tộc ký hiện thực là một bản tường trình khách quan về tình huống, thường được viết theo quan điểm của người thứ ba, báo cáo một cách khách quan về thông tin học được từ những người tham gia tại một địa điểm thực địa. Trong đó:
- Nhà nghiên cứu thực tường trình cuộc nghiên cứu bằng quan điểm khách quan của người thứ ba và báo cáo về những quan sát của những người tham gia và quan điểm của họ. Nhà dân tộc ký không đưa ra các phản ánh cá nhân trong báo cáo nghiên cứu và vẫn giữ tư cách là một phóng viên về “sự thật” (facts).
- Nhà nghiên cứu báo cáo dữ liệu khách quan theo một phong cách đã được đo lường không bị ảnh hưởng bởi thành kiến cá nhân, mục tiêu chính trị và phán xét. Nhà nghiên cứu có thể cung cấp các chi tiết trần tục về cuộc sống hàng ngày của những người được nghiên cứu. Nhà dân tộc ký cũng sử dụng các danh mục tiêu chuẩn để mô tả văn hóa (ví dụ: cuộc sống gia đình, cuộc sống công việc, mạng xã hội)
- Nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm của những người tham gia thông qua các trích dẫn được biên tập chặt chẽ và có lời cuối cùng về việc giải thích và trình bày văn hóa.
2.2. Các nghiên cứu trường hợp
Nghiên cứu trường hợp là một loại hình quan trọng của nghiên cứu dân tộc ký, trong đó các nhà nghiên cứu tập trung vào một chương trình, sự kiện hoặc hoạt động liên quan đến các cá nhân. Khi người viết nghiên cứu trường hợp nghiên cứu một nhóm, họ có thể quan tâm nhiều hơn đến việc mô tả các hoạt động của nhóm thay vì xác định các hệ hình của hành vi của nhóm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trường hợp ít có khả năng xác định một chủ đề văn hóa (cultural theme) để kiểm tra lúc bắt đầu một nghiên cứu; thay vào đó, họ tập trung vào việc khám phá sâu về “trường hợp” thực tế.
Theo Creswell (2002), các loại trường hợp mà các nhà nghiên cứu định tính thường nghiên cứu:
- Trường hợp có thể là một cá nhân, một số cá nhân riêng biệt, hoặc trong một nhóm, một chương trình, các sự kiện hoặc các hoạt động (ví dụ: một giáo viên, một số giáo viên hoặc triển khai một chương trình toán mới).
- Trường hợp có thể đại diện cho một quá trình bao gồm một loạt các bước (ví dụ: quá trình giảng dạy đại học) tạo thành một chuỗi các hoạt động.
- Nhà nghiên cứu tìm cách phát triển sự hiểu biết sâu sắc về trường hợp bằng cách thu thập nhiều dạng dữ liệu (ví dụ: hình ảnh, sổ lưu niệm, băng video và e-mail). Việc cung cấp sự hiểu biết sâu sắc này đòi hỏi rằng chỉ một số trường hợp là được nghiên cứu.
- Nhà nghiên cứu cũng định vị “trường hợp” hoặc “các trường hợp” trong bối cảnh lớn hơn của họ, chẳng hạn như bối cảnh địa lý, chính trị, xã hội hoặc kinh tế (ví dụ: nhóm gia đình bao gồm ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột).
2.3. Dân tộc ký phê bình
Dân tộc ký phê bình là một loại hình nghiên cứu dân tộc ký, trong đó tác giả quan tâm đến việc ủng hộ sự giải phóng của các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội của chúng ta (chẳng hạn như việc loại người Do Thái ra ngoài hệ thống xã hội vào những năm 1920 bởi Phát xít Đức). Các nhà nghiên cứu phê bình thường là những cá nhân có trí tuệ chính trị, thông qua nghiên cứu của họ, họ tìm cách vận động chống lại sự bất bình đẳng và sự thống trị. Ví dụ trong phạm vi giáo dục, các nhà dân tộc ký phê bình có thể nghiên cứu các trường học cung cấp đặc quyền cho một số loại học sinh nhất định, tạo ra các tình huống bất bình đẳng giữa các thành viên của các tầng lớp xã hội khác nhau. Nghiên cứu dân tộc ký phê bình tập trung vào các yếu tố như định hướng nâng cao giá trị, trao quyền cho mọi người bằng cách trao cho họ nhiều quyền hơn, thách thức hiện trạng và mối quan tâm về quyền lực và sự kiểm soát. Trong giáo dục, các nghiên cứu dân tộc ký phê bình có thể phù hợp với một số vấn đề như quyền của các sinh viên bị khuyết tật trong một trường đại học (nơi họ có thể bị thiệt thòi để tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ giáo dục, như việc di chuyển lên giảng đường, tiếp cận phòng đọc của thư viện…).
3. Các đặc điểm chính của nghiên cứu dân tộc ký
Mặc dù có sự đa dạng trong cách tiếp cận với dân tộc ký, nhưng các đặc điểm sau đây thường minh họa cho một nghiên cứu dân tộc ký (Creswell, 2002): 1) chủ đề văn hóa (Cultural themes), 2) một nhóm chia sẻ văn hóa (culture-sharing group), 3) các hệ hình của hành vi, niềm tin và ngôn ngữ được chia sẻ, 4) làm việc thực địa (fieldwork), 5) mô tả, chủ đề và diễn giải, 6) bối cảnh hoặc thiết lập, 7) nhà nghiên cứu phản xạ (Researcher reflexivity).
3.1. Chủ đề văn hóa
Các nhà dân tộc ký thường quan tâm đến các chủ đề văn hóa cụ thể. Trong phạm vi giáo dục, chúng ta có thể tìm thấy các chủ đề văn hóa trong các tuyên bố về mục đích trong dân tộc ký hoặc trong các câu hỏi nghiên cứu như một hiện tượng trung tâm. Ví dụ về một số chủ đề văn hóa trong giáo dục, chẳng hạn như: sự kiên trì trong khóa học giáo dục từ xa, sự hội nhập văn hóa học tập đại học, giao thoa văn hóa của sinh viên ngoại ngữ.
3.2. Nhóm chia sẻ văn hóa
Trong quá trình nghiên cứu một nhóm, các nhà dân tộc đã dùng chiếc bút bi xác định một địa điểm cụ thể (ví dụ: một lớp học tiểu học), định vị một nhóm trong đó (ví dụ, một nhóm đọc sách) và thu thập dữ liệu về nhóm (ví dụ: quan sát một giai đoạn đọc). Một nhóm chia sẻ văn hóa trong dân tộc ký là hai hoặc nhiều cá nhân có chung hành vi, niềm tin và ngôn ngữ. Ví dụ như một sinh viên trong một khóa đào tạo từ xa cụ thể. Một nhóm có thể khác nhau về quy mô, nhưng các cá nhân trong nhóm cần gặp gỡ thường xuyên và tương tác trong một khoảng thời gian (ví dụ: hơn 2 tuần đến 4 tháng) để phát triển các mô hình chung về hành vi, suy nghĩ hoặc trò chuyện. Nhóm này thường đại diện cho một nhóm lớn hơn, chẳng hạn như một nhóm đọc trong lớp học lớp ba.
3.3. Các hệ hình của hành vi, niềm tin và ngôn ngữ được chia sẻ
Các nhà nghiên cứu dân tộc ký tìm kiếm các hệ hình được chia sẻ của hành vi, niềm tin và ngôn ngữ mà nhóm chia sẻ văn hóa áp dụng theo thời gian. Nó có một số yếu tố, thứ nhất, hệ hình được chia sẻ trong dân tộc ký là một tương tác xã hội chung ổn định như những quy tắc ngầm và kỳ vọng của nhóm. Thứ hai, nhóm chia sẻ bất kỳ hành vi, niềm tin và ngôn ngữ nào.
Đinh nghĩa khái niệm:
- Một hành vi trong dân tộc ký là một hành động được thực hiện bởi một cá nhân trong một thiết lập văn hóa (cultural setting).
- Một niềm tin trong dân tộc ký là cách một cá nhân nghĩ về hoặc nhận thức mọi thứ trong một thiết lập văn hóa.
- Ngôn ngữ trong dân tộc ký là cách một cá nhân nói chuyện với người khác trong một thiết lập văn hóa.
3.4. Làm việc thực địa
Các nhà dân tộc ký thu thập dữ liệu thông qua việc dành thời gian tại các địa điểm của người tham gia nơi họ sống, làm việc hoặc vui chơi. Để hiểu rõ nhất các hệ hình của một nhóm văn hóa, một nhà dân tộc ký đã dành thời gian đáng kể cho nhóm. Một hệ hình là không thể dễ dàng nhận ra thông qua bảng câu hỏi hoặc các cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Thay vào đó, nhà dân tộc ký phải đi “thực địa”, sống cùng hoặc thường xuyên đến thăm những người được nghiên cứu, và từ từ tìm hiểu các cách thức văn hóa mà nhóm cư xử hoặc suy nghĩ. Như vậy, làm việc thực địa trong dân tộc ký có nghĩa là nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu trong bối cảnh nơi những người tham gia ở và nơi có thể nghiên cứu các hệ hình chia sẻ của họ.
3.5. Mô tả, chủ đề và diễn giải
Các nhà nghiên cứu dân tộc ký mô tả và phân tích nhóm chia sẻ văn hóa và đưa ra giải thích về các hệ hình được nhìn thấy và nghe thấy. Trong quá trình thu thập dữ liệu, nhà dân tộc ký bắt đầu nghiên cứu. Điều này bao gồm phân tích dữ liệu để mô tả về cả cá nhân và địa điểm của nhóm chia sẻ văn hóa; phân tích các hệ hình của hành vi, niềm tin và ngôn ngữ; và đưa ra một số kết luận về ý nghĩa học được từ việc nghiên cứu con người và địa điểm.
Mô tả (description) trong dân tộc ký là sự thể hiện chi tiết các cá nhân và khung cảnh để miêu tả những gì đang diễn ra trong nhóm chia sẻ văn hóa. Bản mô tả này cần chi tiết và dày dặn, đồng thời cần phải xác định các chi tiết cụ thể. Nó phục vụ cho việc đặt người đọc một cách hình dung vào bối cảnh, đưa người đọc đến khung cảnh thực tế. Điều này liên quan đến việc đánh thức các giác quan của người đọc thông qua các tính từ, danh từ và động từ gợi ra âm thanh, cảnh tượng, cảm giác và khứu giác. Để làm được điều này, nhà nghiên cứu phải chỉ ra một số chi tiết để đưa vào trong khi loại trừ những chi tiết khác. Nó có nghĩa là mô tả các sự kiện, hoạt động và địa điểm mà không đi quá xa khỏi bối cảnh thực tế của sự chú ý và những người có hệ hình được chia sẻ cần phải được xem xét. Các đoạn văn từ dân tộc ký “mô tả” rất dài và chi tiết. Đôi khi, các nhà dân tộc ký hoặc người viết nghiên cứu trường hợp cung cấp một mô tả từ một bức tranh chung đến bối cảnh cụ thể nơi một sự kiện hoặc các sự kiện diễn ra. Các nhà nghiên cứu bắt đầu với việc mô tả thành phố, sau đó thu hẹp mô tả cho khuôn viên trường, và cuối cùng tập trung vào lớp học nơi xảy ra vụ việc.
Phân tích chủ đề (Theme analysis) chuyển từ việc báo cáo “sự thật” sang việc giải thích về con người và hoạt động. Phân tích dữ liệu theo chủ đề (thematic data analysis) trong dân tộc ký bao gồm việc chắt lọc cách mọi thứ hoạt động và đặt tên cho các đặc trưng thiết yếu trong các chủ đề trong một thiết lập văn hóa. Phù hợp với quá trình mô tả và phát triển các chủ đề từ dữ liệu, nhà dân tộc ký phân đoạn văn bản (hoặc hình ảnh), mã hóa chúng và hình thành một tập hợp nhỏ của các chủ đề không trùng lặp. Trong dân tộc ký, những chủ đề này định hình các hệ hình được chia sẻ của hành vi, suy nghĩ hoặc trò chuyện.
Khi diễn giải (interpretation) trong dân tộc ký, nhà dân tộc ký rút ra các suy luận và đưa ra kết luận về những gì đã nghiên cứu. Giai đoạn phân tích này là chủ quan nhất. Nhà nghiên cứu liên hệ cả phần mô tả và các chủ đề để hình dung một bức tranh lớn hơn về những gì đã học, thường phản ánh sự kết hợp nào đó giữa việc nhà nghiên cứu đưa ra đánh giá cá nhân, quay trở lại tài liệu về chủ đề văn hóa và đặt ra các câu hỏi khác dựa trên dữ liệu.
3.6. Bối cảnh hoặc thiết lập
Các nhà dân tộc ký trình bày mô tả, chủ đề và diễn giải trong bối cảnh hoặc thiết lập của nhóm chia sẻ văn hóa. Bối cảnh trong dân tộc ký là bối cảnh, tình huống hoặc môi trường xung quanh nhóm văn hóa đang được nghiên cứu. Nó có nhiều lớp và tương quan với nhau, bao gồm các yếu tố như lịch sử, tôn giáo, chính trị, kinh tế và môi trường. Bối cảnh này có thể là một vị trí thực tế, chẳng hạn như mô tả về trường học, tình trạng của tòa nhà, màu sắc của các bức tường trong lớp học hoặc âm thanh phát ra từ hội trường. Nó cũng có thể là bối cảnh lịch sử của các cá nhân trong nhóm, hoặc là một người mới nổi đã phấn khích đến vùng đất mới của họ. Đó có thể là điều kiện xã hội của các cá nhân, sự đoàn tụ lâu năm để xây dựng quan hệ thân thích, nghề nghiệp của họ, hoặc thu nhập và sự di chuyển theo địa lý của họ. Các điều kiện kinh tế cũng có thể bao gồm mức thu nhập, hoặc các hệ thống quản lý tài chính khiến các cá nhân ở dưới mức nghèo đói.
3.7. Nhà nghiên cứu phản xạ
Các nhà nghiên cứu dân tộc ký thực hiện các diễn giải và viết báo cáo của họ theo tính phản xạ. Tính phản xạ trong dân tộc ký đề cập đến việc nhà nghiên cứu nhận thức được và thảo luận cởi mở về vai trò của mình trong nghiên cứu theo cách tôn vinh và tôn trọng địa điểm cũng như những người tham gia. Bởi vì nghiên cứu dân tộc ký liên quan đến việc ở lại lâu dài tại một địa điểm, các nhà nghiên cứu lo ngại về tác động của họ đối với địa điểm và con người. Họ thương lượng việc gia nhập với những cá nhân chủ chốt và kế hoạch rời khỏi địa điểm mà không lo lắng bị làm phiền.
Với tư cách là những cá nhân có lịch sử và nền tảng văn hóa, nhà dân tộc ký nhận ra rằng cách diễn giải của họ chỉ là một khả năng và rằng báo cáo của họ không có bất kỳ quyền hạn đặc quyền nào đối với những cách giải thích khác do các độc giả, người tham gia và các nhà nghiên cứu khác đưa ra. Do đó, điều quan trọng là các nhà dân tộc ký phải xác định vị trí của mình trong báo cáo của họ và xác định chỗ đứng hoặc quan điểm của họ. Họ làm điều này bằng cách nói về bản thân, chia sẻ kinh nghiệm của họ và đề cập đến cách diễn giải của họ định hình các cuộc thảo luận của họ về các địa điểm và các nhóm chia sẻ văn hóa. Ví dụ, trong một nghiên cứu về đời sống văn hóa của bà con dân tộc Tày tại Cao Bằng, nếu một nhà dân tộc ký tham gia vào trong cuộc sống như một người địa phương, họ có thể viết trong báo cáo của họ:
“Tôi muốn được coi như một thành viên của bản làng”, “Theo chân một người con của bản làng, cũng là người bạn cùng học đại học với tôi, với sự hướng dẫn của bạn, tôi dần hòa nhập với mối quan hệ và đời sống của bản làng sau 2-3 ngày.”