Bài 7: Chuyến đi thực địa (Field Trips)

admin
6548 4 phút đọc

NHÓM CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRẢI NGHIỆM

Bài 7: Chuyến đi thực địa (Field Trips)

 

1. Giới thiệu

Trong đào tạo đại học, chuyến đi thực địa có thể là một chuyến tham quan doanh nghiệp, nhà máy sản xuất nhằm giúp người học có định hướng về nghề đang học. Chuyến đi tham quan nhằm loại bỏ sự tách biệt sai lầm giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo.

2. Ý nghĩa của chuyến đi thực địa

Đổi mới dạy học chính là quá trình chuyển từ dạy học theo hướng “cung”, theo cái mà các cơ sở muốn dạy, cái mà các cơ sở dạy sang đào tạo theo hướng “cầu” như một dịch vụ dạy và học. Chuyến tham quan sẽ giúp người học tận mắt nhìn thấy những người lao động làm việc và được nói chuyện với họ cũng như nói chuyện với người giám sát tại doanh nghiệp, và hiểu rõ những yêu cầu hiện tại và trong tương lai của nghề nghiệp.

Thiết kế đào tạo dựa vào chuẩn đầu ra bắt đầu bằng việc quan sát nơi làm việc. Đây chính là nơi người lao động trực tiếp thực hiện công việc của mình và cũng là nơi học học tập tốt nhất. Người lao động tai các doanh nghiệp không sử dụng lý thuyết trước khi thực hành. Những lao động có năng lực sẽ không nhìn vào một tình huống và hỏi: Lý thuyết ở đây là gì? Họ hành động và trong quá trình này họ dần có kinh nghiệm của riêng mình và sử dụng chúng. Cuối cùng, những người lao động này xây dựng được một cơ sở nhận thức vững chắc về điều thường xuyên xảy ra hay chắc chắn sẽ diễn ra và tự mình có được những quy tắc hành động dựa trên những nhận thức này.

3. Phương pháp chuyến đi thực địa

Trong giáo dục, một chuyến đi thực địa được hiểu là bất kỳ hoạt động nào do trường tài trợ đưa người học ra khỏi khuôn viên trường vào bất kỳ thời điểm nào trong tuần hoặc năm học cho bất kỳ thời gian nào trong ngày học. Những nếu hoạt động đào tạo nghề được tổ chức tại nơi làm việc, ý tưởng của tham quan có thể nhằm cung cấp các thông tin thực tế phong phú cho các bài giảng tại khu vực đào tạo sẽ được tiến hành sau đó.

Mục đích của chuyến tham quan này nhằm củng cố khái niệm lý thuyết, đặc biệt là quan sát việc thực hiện công việc an toàn và hiệu quả tại nơi làm việc của người lao động. Nói chung, chuyến tham quan sẽ tạo động lực cho người học, mang lại sự sống động hoặc thực tế mà bạn không thể mang lại với các bài học thông thường, và cung cấp thông tin cho việc học trong bối cảnh thế giới thực phù hợp.

Doanh nghiệp lý tưởng để tham quan là doanh nghiệp có số lượng lớn lao động lành nghề, có bằng chứng về các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn tại doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ cơ sở đào tạo.

Người học sẽ phải ghi chép và đưa những nội dung ghi chép vào sổ nhật ký học tập của họ.

Nếu bạn đang có kế hoạch sử dụng các chuyến đi thực tế trong hoạt động đào tạo nghề, hãy xem xét những thông tin sau.

(1) Trước chuyến đi

– Thiết lập các mục đích giáo dục của chuyến đi. Các hoạt động và nội dung được kiểm tra trong chuyến đi thực địa phải phù hợp và kết nối với các kết quả và mục tiêu trong chương trình giảng dạy. Các chuyến đi thực tế chắc chắn có thể giải trí, nhưng nếu giải trí là kết quả duy nhất, giảng viên phải suy nghĩ lại chuyến đi để sử dụng thời gian và nguồn lực quý giá vào việc khác.

– Xác định ngày và giờ của chuyến đi và xác minh chúng với người có thẩm quyền tại điểm đến.

– Xác định chi phí và ai sẽ trả. Sắp xếp phương tiện đi lại.

– Xin phép ban giám hiệu bằng văn bản nếu được quy định.

– Liên hệ với người quản lý tại địa điểm, hoặc một người có thể giúp điều phối chuyến thăm. Họ có thể cung cấp các chuyến tham quan khác nhau cùng với những người tại doanh nghiệp được phân công hỗ trợ giảng viên.

– Giảng viên phải dạy các hành vi cần thiết để chuyến đi thực tế thành công. Đây là yếu tố quan trọng nhất để có một chuyến đi thành công. Lập danh sách các hành vi mà người học nên biết và thực hiện trong chuyến đi thực tế. Bao gồm một danh sách các quy tắc về nơi đến thăm. Điều này giúp mọi người biết những gì được mong đợi và giúp trải nghiệm thành công.

– Ghi phiếu điểm danh cho chuyến đi để giảng viên luôn biết mọi người có mặt hay không.

– Thảo luận về chuyến đi thực tế. Người học sẽ học gì? Chúng ta muốn quan sát những thứ cụ thể nào? Chúng ta muốn hỏi người hướng dẫn những câu hỏi nào? Sự chuẩn bị này sẽ giúp người học có khả năng quan sát và định hướng nghiên cứu tốt hơn trong chuyến đi thực tế.

(2) Thực hiện chuyến đi

– Quan sát và đảm bảo rằng người học thực hiện tốt các quy tắc của doanh nghiệp/ nơi làm việc.

– Đảm bảo rằng tất cả người học có thể nhìn, nghe và tích cực tham gia.

– Đảm bảo rằng thời gian được sắp xếp hợp lý để có đủ thời gian cho người học đặt câu hỏi và nhận câu trả lời từ quan sát của họ hoặc người hướng dẫn của họ.

– Giữ cho người học đi đúng hướng để ngăn ngừa tai nạn hoặc thương tích.

(3) Sau chuyến đi

– Khi trở về khu vực lớp học, hãy tiến hành một hoạt động phản ánh kết thúc chuyến đi thực tế bằng cách yêu cầu người học giải thích tại sao (why), ở đâu (where), như thế nào (how) và những gì đã đạt được trong chuyến đi của họ.

– Đánh giá xem mục tiêu của chuyến đi đã đạt được chưa.

– Đánh giá hạnh kiểm của lớp theo các tiêu chuẩn được thiết lập trước chuyến đi. Thảo luận xem họ có chú ý lắng nghe, việc thực hiện các quy tắc tại nơi đến thăm.

– Tận dụng các cơ hội để rút ra dữ liệu và kinh nghiệm từ chuyến đi thực tế phục vụ cho việc giảng dạy các mô đun trong lớp học.

admin

Chịu trách nhiệm học thuật, PGS.TS. Nguyễn Văn Hạnh
Chuyên gia nghiên cứu Khoa học Giáo dục và Phân tích định lượng.

error: Content is protected !!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x