Bài 8: Học tập phiêu lưu (Adventure learning)
NHÓM CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRẢI NGHIỆM
Bài 8: Học tập phiêu lưu (Adventure learning)
1. Giới thiệu
Bài học này là nhằm chứng tỏ rằng nội dung của một tiết giảng có thể cho phép học tập tự do mà không quy định phương pháp giảng dạy cụ thể, chẳng hạn như tiết giảng về giải quyết vấn đề hay làm việc nhóm.
2. Học tập phiêu lưu là gì
Học tập phiêu lưu là một dạng của học tập trải nghiệm mà ở đó người học được tham gia, hợp tác, đắm mình trong một cộng đồng thực hành, giải quyết các vấn đề với nhau. Nó khuyến khích người học phiêu lưu với những tình huống thách thức bằng những kinh nghiệm và kiến thức trong quá khứ.
Học hỏi thông qua việc tham gia vào các hoạt động phiêu lưu có thể giúp người học tự tin, phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ trong đó có cả các kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc nhóm, tin tưởng lẫn nhau, giao tiếp với đồng nghiệp cũng như xác định và giải quyết vấn đề. Thực hiện một nhiệm vụ đầy thách thức cũng có thể giúp sinh viên đạt được và phát triển các năng lực chính và mong muốn học tập suốt đời.
Học tập phiêu lưu coi việc giải quyết vấn đề là hoạt động dạy và học chủ yếu. Hợp tác, trao đổi, giao tiếp, làm việc nhóm, xây dựng niềm tin và các hoạt động theo vấn đề sẽ mang lại những kinh nghiệm học tập thú vị.
3. Các nguyên tắc của học tập phiêu lưu
Học tập phiêu lưu có thể được thiết kế theo các nguyên tắc cơ bản sau:
- Hoạt động phải gắn với kỹ năng giải quyết các vấn đề có thật trên thực tế, chứ không tập trung vào việc chuẩn bị trước cho người học đối phó với các tình huống cụ thể trong cuộc sống và trong công việc. Mục tiêu của hoạt động là học tập chứ không phải là phiêu lưu giải trí.
- Các nhiệm vụ học tập phiêu lưu phải tạo cho người học cơ hội hợp tác, nghiên cứu và làm việc theo nhóm. Điển hình là, tại nơi làm việc, người học làm theo nhóm và giải quyết các vấn đề với tinh thần hợp tác. Học tập phiêu lưu sẽ giúp sinh viên thực hành việc cùng đưa ra quyết định.
- Các hoạt động học tập phiêu lưu có thời gian học dài hơn có thể bao gồm việc nghiên cứu, sử dụng thư viện và mạng internet. Giảng viên có thể tham gia vào các hoạt động khái quát hóa trong mô hình của Kolb có thể ở mức tối đa.
- Chương trình đào tạo chính thức được đồng bộ hóa với các hoạt động học tập phiêu lưu.
- Học là mục đích cuối cùng của học tập phiêu lưu và sự an toàn sẽ được quan tâm trước tiên. Lớp học là môi trường trừu tượng và không phù hợp, vì vậy, nên cố gắng đặt việc học tập theo bối cảnh và giải quyết vấn đề vào trong các tình huống gần với cuộc sống và công việc.
4. Gợi ý sử dụng học tập phiêu lưu
Mức độ của sự phiêu lưu có thể khác nhau nhưng điều quan trọng là giúp người học có được trải nghiệm khác với thực tế họ thường gặp. Một số hoạt động học tập phiêu lưu có thời gian học dài hơn, ví dụ như chế tạo một chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời, trong khi một số hoạt động học tập phiêu lưu khác có thời gian học ngắn hơn, ví dụ như các bài tập giải quyết vấn đề thực tế và các mô phỏng. Tùy thuộc vào bối cảnh dạy học thực tế, điều kiện tại địa phương và các nguồn lực sẵn có mà giảng viên sẽ lựa chọn các cuộc phiêu lưu thực tế phù hợp cho người học khám phá. Sau đó, một nhóm các cá nhân tham gia vào một cuộc thám hiểm khám phá một chủ đề quan tâm diễn ra ngoài trời hoặc tại nơi làm việc cho phép điều tra có ý nghĩa về chủ đề quan tâm.
Những cuộc phiêu lưu ngoài lớp học cũng cần đánh giá về các rủi ro và nguy hiểm trong mỗi hoạt động. Thông thường, những hoạt động phiêu lưu là mang tính phát triển và hoàn toàn tự nguyện. Sẽ không có đánh giá sinh viên trong hoạt động này và cũng không được dựa vào học tập phiêu lưu để đánh giá sinh viên. Những chủ đề cho học tập phiêu lưu có thể là:
- Đi xe máy an toàn
- Thay lốp xe
- Đào tạo kỹ năng để sinh tồn
- Trải nghiệm tại nơi làm việc
- Trải nghiệm nghiệm kỹ năng chuyên môn (ví dụ như hàn) …
Cấu trúc hướng dẫn trong học tập phiêu lưu thường bao gồm các bước (1) thiết lập tình huống trải nghiệm; (2) lập kế hoạch trải nghiệm; (3) hành động; và (4) khuyến khích phản ánh. Giảng viên có thể sử dụng những câu chuyện, trò chơi, dụng cụ trực quan và kỹ thuật chú ý khác để xây dựng sự tò mò và quan tâm, và người học sẽ đi đầu trong cách suy nghĩ mới, hành động và phản ánh. Các kỹ thuật dạy học sử dụng trong học tập phiêu lưu có thể khác nhau, nhưng mục tiêu luôn luôn là như nhau, và đó là để người học đạt được kết quả cuối cùng của riêng mình bằng những kinh nghiệm đã có. Bằng cách thực hiện các thí nghiệm/ thực hành, người học có nhiều khả năng nhớ những khái niệm và kiến thức mới.