(23-7-2021) Tranh luận có nên bắt buộc NCS phải xuất bản quốc tế?
Những ngày gần đây, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban thành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, đã có rất nhiều tranh luận trên các báo và diễn đàn về quy chế này, ủng hộ có, chỉ trích có. Nhưng chủ điểm trọng tâm xoay quanh vấn đề Quy chế mới đã không ép buộc các NCS phải có công bố quốc tế ISI/Scopus.
Ở đây, tôi không bàn đến việc có nên hay không nên yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế ISI/Scopus. Vì có nhiều ý kiến chê bai về công bố quốc tế nên tôi muốn giải thích thêm mà thôi. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục của tôi, thực sự mà nói một công bố quốc tế, nó ở một chuẩn mực chất lượng cao hơn hẳn các bài báo trong nước, ở tất cả mọi mặt từ phát hiện và giải quyết vấn đề, chất lượng thiết kế phương pháp, sự chặt chẽ trong phân tích dữ liệu, thảo luận về những đóng góp vào các nghiên cứu hiện có. Cần lưu ý rằng những tạp chí trong nước đã đạt chuẩn mực quốc tế (nằm trong nhóm ISI/Scopus) cũng là những tạp chí chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, những NCS chưa từng có công bố quốc tế chuẩn ISI/Scopus thì sẽ không hợp lý nếu bạn cho rằng tại sao cứ phải bắt buộc NCS có công bố quốc tế, vì bạn chưa thực sự hiểu tiêu chuẩn quốc tế là gì. Bạn đọc các xuất bản quốc tế có thể với sự hiểu biết hời hợt và nông cạn, bạn chưa hiểu hết sự phức tạp của thiết kế phương pháp, và các kĩ thuật với SPSS (hoặc các thống kê khác) để xử lí dữ liệu. Vì vậy, dù có quy định hay không, các NCS hãy nên xem công bố quốc tế như một mục tiêu để mình phấn đấu trong quá trình làm luận án TS.
Bàn về liêm chính học thuật, khi bạn xuất bản được một nghiên cứu quốc tế, bạn thực sự thấu hiểu các “con số biết nói” trong tập dữ liệu khảo sát/ thực nghiệm của mình. Những con số ấy đưa bạn đến bất ngờ này rồi bất ngờ khác của những phát hiện mới (về lý thuyết, hay quy luật) nhờ các phương pháp kì ảo và nghệ thuật trực giác của xác suất thống kê. Bạn sẽ tự giáo dục trở thành một người có trách nhiệm với dữ liệu của mình, bạn không cho phép mình giả mạo dữ liệu, bởi vì những người khác có thể sử dụng kết quả của bạn và lại đưa đến những sai lầm tiếp theo. Lương tâm của bạn không cho phép bạn làm điều đó. Vì vậy, rất khó để hướng đến liêm chính học thuật khi mục tiêu của bạn không phải là một công bố ISI/Scopus.
Bỏ qua một vài hạt sạn về tạp chí ăn thịt, với tôi, tôi khẳng định chắc chắn rằng xuất bản ISI/Scopus là một tiêu chuẩn cao nhất cho một luận án của NCS.
Tạm bỏ qua những vấn đề khác, mà chỉ tập trung vào câu hỏi: “Liệu có quá khó để xuất bản một bài báo quốc tế chuẩn ISI/Scopus trong khoa học xã hội?” Câu trả lời là không hề khó như mọi người nghĩ. Nhưng vấn đề này ở chỗ, chúng ta chưa tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu khoa học giáo dục, từ phương pháp nghiên cứu, cách thiết kế nghiên cứu, đến phương pháp thống kê. Tôi ít khi bắt gặp các cuốn sách PPNC Giáo dục tại nước ta đề cập (hoặc đề cập rất mờ nhạt) đến các phương pháp nghiên cứu hành động, nghiên cứu tường thuật, nghiên cứu dân tộc kí, thiết kế lí thuyết có cơ sở, thiết kế tương quan. Các bài báo nghiên cứu định lượng trong khoa học giáo dục trong nước ít khi có mặt của phân tích thông kê được sử dụng, có chăng chỉ là t-test, ANOVA so sánh hai bảng điểm số. Thử hỏi xem có đúng không khi một số NCS chưa có công bố quốc tế liên tục chê bai rằng tại sao cứ phải có công bố quốc tế trong luận án.
Bỏ qua lĩnh vực nghiên cứu định tính, mà chỉ bàn đến nghiên cứu định lượng trong khoa học giáo dục. Theo tôi, một nhà nghiên cứu giáo dục cần có 3 khía cạnh sau đây để đạt đến một nghiên cứu thực sự theo chuẩn quốc tế:
1) Cách phát hiện vấn đề và tiếp cận lí thuyết để giải quyết vấn đề.
2) Một thiết kế phương pháp chặt chẽ, chi tiết theo chuẩn mực khoa học và thống kê. Không khó để nhận thấy, các luận án giáo dục chỉ trình bày vỏn vẹn trong từ 1-2 trang giấy về phần mô tả phương pháp nghiên cứu trong phần khảo sát thực trạng. Trong khi ở các luận án tiêu chuẩn quốc tế, người ta trình bày phần này không dưới 15-20 trang, và dành riêng hẳn một chương để trình bày nó. Đã bao giờ một NCS đặt câu hỏi tại sao họ trình bày dài như vậy chưa, họ lấy nội dung ở đâu ra mà viết được nhiều thế, họ viết những gì,… Bởi vì bạn đã quá quen với tiêu chuẩn trong nước khi các luận án mô tả quá đơn giản về thiết kế phương pháp, bạn sẽ không có được một công bố quốc tế với các tiêu chuẩn cao vời vợi. Đơn cử như việc chọn mẫu, chọn mẫu thế nào, bao nhiêu là đủ, sức mạnh thống kê của mẫu đó mang lại là bao nhiêu, tiêu chuẩn để chọn sự khác biệt giới tính… Bạn đã trả lời được chưa?
3) Cuối cùng, khía cạnh thứ ba, tôi muốn nói về xác suất thống kê, bạn cần thành thạo nó để đưa ra các suy luận mới. Tôi lấy ví dụ, bạn cần nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của sinh viên đại học tại Việt Nam. Bạn liệu có cơ hội để điều tra/ khảo sát hết gần 1 triệu sinh viên đang học tập không? Câu trả lời là không bao giờ. Khi bạn không điều tra được hết đối tượng, một vấn đề sẽ nảy sinh đó là xác suất kết quả một mẫu nhỏ có thể là đúng hoặc có thể sai so với thực tiễn. Mọi câu trả lời của bạn là sự không chắc chắn, vì vậy bạn cần dựa vào xác suất thống kê để đưa ra những phát hiện mới một cách thận trọng. Bạn có thể lựa chọn ý nghĩa thống kê đúng đến 95%, nhưng bạn vẫn phải luôn nghĩ rằng vẫn còn 5% còn lại, bạn đã đưa ra kết quả hoàn toàn sai lầm cho nghiên cứu của mình. Vì vậy, tất cả các bài báo quốc tế về định lượng trong giáo dục, luôn có sự xuất hiện của xác suất thống kê (ngoại trừ nghiên cứu định tính, bao gồm phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu tài liệu).
Nhưng đáng tiếc rằng, phần lớn các luận án về khoa học giáo dục trong nước, các số liệu chỉ được xử lí theo tỉ lệ %, báo cáo số liệu theo kiểu thống kê mô tả chỉ dừng lại ở trung bình và tỉ lệ %. Nếu nghiên cứu mà bạn chỉ mô tả % học sinh dân tộc miền núi ăn ở thế nào, sinh hoạt ra sao, điều kiện sống thế nào thì chưa được xem là đóng góp khoa học. Chân lí phải nằm ở chỗ, bạn cần chỉ ra một QUY LUẬT VẬN ĐỘNG/ hoặc một LÝ THUYẾT CHI PHỐI đứng đằng sau nhưng con số ấy. Và chỉ có một cách để bạn phát hiện ra các QUY LUẬT hoặc LÝ THUYẾT ấy, đó chính là xác suất thống kê.
Vì vậy, khi bạn đọc một nghiên cứu quốc tế, mà bạn chưa thể hiểu phương pháp thống kê họ sử dụng trong bài báo đó, đó là khi sự hiểu biết của bạn về nghiên cứu định lượng trong khoa học giáo dục là rất hạn chế. Khi bạn thấu hiểu đủ 3 khía cạnh trình bày ở trên, bạn sẽ nhận thấy xuất bản một bài báo quốc tế ISI/Scopus là rất đơn giản.
Tóm lại, ở một phạm vi rộng lớn, xuất bản quốc tế ISI/Scopus là một tiêu chuẩn cao nhất chứng minh cho năng lực nghiên cứu của một NCS. Tôi không quan tâm đến việc các nhà quản lí có quy định NCS phải có công bố quốc tế hay không, nhưng tôi nghĩ các NCS nên nhận thức đúng về tiêu chuẩn khoa học của các tạp chí quốc tế và xem đó là mục tiêu để phấn đấu.