Bài 9. Nghiên cứu dựa vào thiết kế (Design-based Research)
1. Khi nào sử dụng?
Nghiên cứu dựa trên thiết kế (Design-based Research) được đề xuất bởi Wang và Hannafin (2005), là một loại phương pháp nghiên cứu được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu trong khoa học giáo dục. Theo Scott, Wenderoth & Doherty (2020), nghiên cứu dựa vào thiết kế (Design-based research) là một phương pháp có hệ thống nhưng linh hoạt nhằm cải thiện thực tiễn giáo dục thông qua phân tích, thiết kế, phát triển và thực hiện lặp đi lặp lại, dựa trên sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và người tham gia trong môi trường thực tế và dẫn đến các nguyên tắc và lý thuyết thiết kế phù hợp theo ngữ cảnh. Trong các bài báo khoa học, chúng ta tìm thấy nghiên cứu dựa vào thiết kế được sử dụng nhiều trong việc đánh giá hiệu quả của công nghệ nâng cao môi trường học tập (Technology-Enhanced Learning Environment) trong lớp học.
Nghiên cứu dựa vào thiết kế dựa trên tiền đề rằng nghiên cứu giáo dục thường không cải thiện được các hoạt động trong lớp học. Họ nhận thấy rằng phần lớn các nghiên cứu giáo dục được thực hiện trong các môi trường có kiểm soát, giống như phòng thí nghiệm. Họ tin rằng nghiên cứu sư phạm trong phòng thí nghiệm này không giúp ích nhiều nhất có thể cho các học sinh. Các nhà nghiên cứu và học sinh thường không được hưởng lợi từ công việc của các nhà nghiên cứu nếu nghiên cứu tách rời khỏi thực tiễn lớp học. Hệ quả, các phát hiện và lý thuyết dựa trên kết quả phòng thí nghiệm có thể không phản ánh chính xác những gì xảy ra trong môi trường giáo dục trong thế giới thực. Do đó, nghiên cứu dựa vào thiết kế là một cách tiếp cận nghiên cứu tham gia vào các thiết kế lặp đi lặp lại để phát triển kiến thức nhằm cải thiện thực tiễn giáo dục.
2. Đặc điểm và mô hình của nghiên cứu dựa vào thiết kế
Những người ủng hộ nghiên cứu dựa vào thiết kế tin rằng việc tiến hành nghiên cứu trong bối cảnh (thay vì trong bối cảnh phòng thí nghiệm được kiểm soát) và thiết kế các biện pháp can thiệp lặp đi lặp lại sẽ mang lại kiến thức xác thực và hữu ích. Wang và Hannafin (2005) chỉ ra năm đặc điểm cơ bản của nghiên cứu dựa vào thiết kế để nhận diệp và phân biệt nó, bao gồm: 1/ thực dụng (vì chúng giải quyết vấn đề trong thực tiễn bằng các thiết kế can thiệp); 2/ có căn cứ (vì chúng dựa trên cả lí luận và bối cảnh thế giới thực); 3/ tương tác, lặp đi lặp lại và linh hoạt; 4/ tích hợp (vì nó cần tích hợp nhiều phương pháp nghiên cứu cụ thể, cả định tính và định lượng, tùy theo nhu cầu của nghiên cứu); 5/ theo bối cảnh (vì kết quả được kết nối với cả quá trình thiết kế trong đó kết quả được tạo ra, và cả các thiết lập nơi nghiên cứu được tiến hành) [tr.8]. Do đó, lợi ích của nghiên cứu dựa vào thiết kế mang lại là: những đóng góp về cách thực hành giáo dục; đóng góp về lí thuyết trong bối cảnh xác thực; ràng buộc tốt hơn giữa lí thuyết và thực hành; cải thiện và tạo ra các yêu cầu dựa trên bằng chứng về học tập.
Tiến trình lặp của nghiên cứu dựa vào thiết kế được mô tả như trong hình dưới đây.
Hình 1: Mô hình thiết kế dựa vào nghiên cứu
Trong Hình 1 cho thấy phương pháp nghiên cứu dựa vào thiết kế bao gồm bốn bước cơ bản:
- Phân tích vấn đề thực tế bởi nhà nghiên cứu và người tham gia trong sự hợp tác (Analysis of Practical Problems by Researchers and Practitioners in Collaboration).
- Phát triển các giải pháp được cung cấp thông tin từ các nguyên tắc thiết kế hiện có và các đổi mới về công nghệ (Development of Solutions Informed by Existing Design Principles and Technological Innovations).
- Các chu kỳ lặp đi lặp lại của thử nghiệm và tinh chỉnh các giải pháp trong thực tế (Iterative Cycles of Testing and Refinement of Solutions in Practice).
- Phản ánh để đưa ra “nguyên tắc thiết kế” và nâng cao thực hiện giải pháp (Reflection to Produce “Design Principles” and Enhance Solution Implementation).
Trong các bài báo khoa học và luận án về giáo dục, phương pháp nghiên cứu dựa vào thiết kế có thể được trình bày theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta có thể tìm thấy ba kiểu trình bày cơ bản của nghiên cứu dựa vào thiết kế (Hình 2).
Hình 2: Các cách trình bày của nghiên cứu dựa vào thiết kế
3. So sánh sự khác biệt giữa nghiên cứu thử nghiệm và nghiên cứu dựa vào thiết kế
Khác biệt với phương pháp thử nghiệm truyền thống (thường triển khai can thiệp ở nhóm thử nghiệm và sau đó so sánh với nhóm đối chứng, sau đó sử dụng phương pháp thống kê để suy luận những phát hiện mới từ kết quả), phương pháp nghiên cứu dựa vào thiết kế có thể sử dụng tương tự như thử nghiệm truyền thống, nhưng cũng có những khác biệt đáng chú ý, bao gồm:
1) Khác biệt thứ nhất là về cách tiếp cận nghiên cứu. Trong thử nghiệm truyền thống, nhà nghiên cứu chịu trách nhiệm đưa ra tất cả các quyết định về cách thực hiện và phân tích thử nghiệm, trong khi người hướng dẫn dạy học chỉ thực hiện các phương pháp can thiệp thử nghiệm. Trong thiết kế dựa vào nghiên cứu, cả nhà nghiên cứu và người hướng dẫn đều tham gia vào tất cả các giai đoạn của nghiên cứu từ việc đưa ra ý tưởng, thiết kế cho đến thực hiện.
2) Khác biệt thứ hai là thuộc về hình thức của giả thuyết nghiên cứu. Trong thử nghiệm truyền thống, các nhà nghiên cứu phát triển một giả thuyết về cách một can thiệp hướng dẫn cụ thể sẽ tác động đến việc học của người học. Sau đó, can thiệp được kiểm tra trong (các) lớp học thử nghiệm đồng thời kiểm soát các biến số khác không thuộc nghiên cứu để tách biệt tác động của can thiệp. Trong nghiên cứu dựa vào thiết kế, một giả thuyết được khái niệm là “giải pháp thiết kế” chứ không phải là một can thiệp sư phạm cụ thể; nghĩa là, các nhà nghiên cứu dựa trên thiết kế đưa ra giả thuyết rằng các công cụ giảng dạy được thiết kế, khi được triển khai trong lớp học, sẽ giúp cải thiện việc học của người học xung quanh vấn đề học tập đã xác định.
3) Sự khác biệt thứ ba là ở các biện pháp can thiệp sư phạm có thể được sửa đổi. Trong thử nghiệm truyền thống, sự can thiệp được cố định trong suốt thời gian thử nghiệm, với bất kỳ sự sửa đổi nào chỉ xảy ra sau khi thử nghiệm kết thúc. Điều này rất quan trọng để đảm bảo rằng kết quả của nghiên cứu cung cấp bằng chứng về hiệu quả của một can thiệp cụ thể. Ngược lại, nghiên cứu dựa trên thiết kế có cách tiếp cận linh hoạt hơn cho phép các công cụ hướng dẫn được sửa đổi tại chỗ khi chúng đang được thực hiện.
4) Khác biệt cuối cùng là ở loại kết luận mà các nhà nghiên cứu rút ra từ dữ liệu. Trong thử nghiệm truyền thống, nó mạnh mẽ để xác nhận rằng một biện pháp can thiệp là có ý nghĩa gây ra một kết quả tích cực, nhưng không làm rõ điều gì trong yếu tố can thiệp nào gây ra điều đó. Ngược lại, trong nghiên cứu dựa vào thiết kế, nó mạnh mẽ để khám phá các cơ chế học tập, bởi vì nó nghiên cứu bản chất của tư duy người học thay đổi như thế nào khi họ trải qua các can thiệp hướng dẫn. Hay nói cách khác, nghiên cứu dựa vào thiết kế là để hiểu cách các tác động mong muốn (và không mong muốn) phát sinh thông qua các tương tác trong một môi trường được thiết kế.
4. Vai trò của nhà nghiên cứu và người tham gia
Các phương pháp nghiên cứu truyền thống tạo ra những hiểu biết tinh tế về cách thế giới vận hành, điều này có thể ảnh hưởng gián tiếp đến thực tiễn. Trong nghiên cứu dựa vào thiết kế, có một sự chủ định trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện cả lý thuyết và thực hành. Nó đòi hỏi sự hợp ở mức độ cao của nhà nghiên cứu đối với người tham gia.
– Vai trò của nhà nghiên cứu: Trong nghiên cứu dựa vào thiết kế, các nhà nghiên cứu đảm nhận vai trò của “người thiết kế chương trình giảng dạy. Với tư cách là người thiết kế chương trình giảng dạy, các nhà nghiên cứu tham gia vào bối cảnh của họ với tư cách là các chuyên gia có hiểu biết với mục đích tạo ra, kiểm tra và tinh chỉnh các thiết kế giáo dục dựa trên các nguyên tắc rút ra từ nghiên cứu trước đó. Những thiết kế giáo dục này có thể bao gồm chương trình giảng dạy, thực hành, phần mềm hoặc các đối tượng hữu hình có lợi cho quá trình học tập. Với tư cách là những nhà lý thuyết về chương trình giảng dạy, các nhà nghiên cứu cũng tham gia vào bối cảnh nghiên cứu của họ với mục đích để tinh chỉnh các lý thuyết hiện có về học tập. Các nhà nghiên cứu coi họ là những tác nhân cần thiết của sự thay đổi và tự coi mình là người có trách nhiệm đối với công việc họ làm. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thực nghiệm truyền thống tự cô lập mình khỏi các đối tượng nghiên cứu của họ. Sự tách biệt này cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện các quan sát đầy đam mê khi họ kiểm tra và tinh chỉnh hiểu biết của họ về thế giới xung quanh.
– Vai trò của người tham gia: Trong nghiên cứu dựa vào thiết kế, các đối tượng nghiên cứu (người tham gia) được coi là những người đóng góp và cộng tác chính trong quá trình nghiên cứu. Trong khi, chủ nghĩa thử nghiệm truyền thống xem đối tượng nghiên cứu là những đối tượng được quan sát hoặc thực nghiệm, cho thấy mối quan hệ một chiều giữa người nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Trong đó, vai trò của đối tượng nghiên cứu là sự sẵn có và chân thực để nhà nghiên cứu có thể thực hiện các quan sát có ý nghĩa và thu thập dữ liệu chính xác. Ngược lại, các nhà nghiên cứu dựa trên thiết kế xem các đối tượng nghiên cứu của họ (ví dụ: sinh viên, giáo viên, trường học) là “những người đồng tham gia” (co-participants). Đối tượng nghiên cứu được coi là cần thiết trong việc giúp hình thành các câu hỏi nghiên cứu, cải tiến các thiết kế, đánh giá tác động của thử nghiệm, và báo cáo kết quả. Đối tượng nghiên cứu là những người đồng nghiệp với nhà nghiên cứu trong việc thúc đẩy nghiên cứu một cách lặp đi lặp lại.
5. Kết quả của nghiên cứu dựa vào thiết kế
Kết quả của nghiên cứu dựa vào thiết kế phát triển kiến thức thông qua quá trình nghiên cứu hợp tác, lặp đi lặp lại này. Kiến thức do nghiên cứu dựa vào thiết kế phát triển có thể được tách thành hai loại: (a) kết quả hữu hình, thực tế và (b) kết quả lý thuyết, vô hình.
– Kết quả hữu hình: Mục tiêu chính của nghiên cứu dựa trên thiết kế là tạo ra các biện pháp can thiệp và thực hành có ý nghĩa. Trong nghiên cứu giáo dục, những can thiệp này có thể liên quan đến việc phát triển các ‘công cụ công nghệ’ và ‘chương trình giảng dạy’ có ý nghĩa, hiệu quả có thể được chuyển giao và áp dụng. Một biện pháp can thiệp hiệu quả sẽ có thể chuyển từ lớp học thực nghiệm sang các lớp học trung bình được vận hành bởi các học sinh và giáo viên trung bình.
– Kết quả vô hình: Điều quan trọng là phải nhận ra rằng nghiên cứu dựa vào thiết kế không chỉ quan tâm đến việc cải thiện thực hành mà còn nhằm mục đích nâng cao lý thuyết và hiểu biết. Sự nhấn mạnh của nghiên cứu dựa vào thiết kế về tầm quan trọng của bối cảnh nâng cao các tuyên bố về kiến thức của nghiên cứu. Nó phát triển các tuyên bố dựa trên bằng chứng thu được từ các cuộc điều tra dựa trên cơ sở phòng thí nghiệm và tự nhiên nhằm thu được kiến thức về cách con người học tập. Kiến thức mới này về việc học sẽ thúc đẩy nghiên cứu và thực hành trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
- Armstrong, M., Dopp, C., & Welsh, J. (2020). Design-Based Research. In R. Kimmons & S. Caskurlu (Eds.), The Students’ Guide to Learning Design and Research. EdTech Books.
- Eady, M, (2008). Using design-based research to produce strategies for synchronous literacy learning for indigenous learners. In I. W. Olney, G.Lefoe, J. Mantei & J. Herrington (Eds.), Proceedings – Conference on Information and Emerging Technologies, 2008 (pp. 56-63).Wollongong: University of Wollongong.
- Scott, E. E., Wenderoth, M. P., & Doherty, J. H. (2020). Design-based research: a methodology to extend and enrich biology education research. CBE—Life Sciences Education, 19(2), es11. https://doi.org/10.1187/cbe.19-11-0245
- Wang, F., & Hannafin, M. J. (2005). Design-based research and technology-enhanced learning environments. Educational technology research and development, 53(4), 5-23.